Mục lục
Đây là mô hình công nghệ có khả năng được dùng để bồi dưỡng kiến thức nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao cho học sinh, do gắn liền với thực tiễn sản xuất và đời sống.
Trong chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn, người nuôi thường cai ấp ở gà để tăng sản lượng trứng thu nhận. Khi đó, việc ấp trứng cần thiết phải sử dụng đến công nghệ hiện đại nhằm tự động hóa công việc ấp trứng, giảm phụ thuộc vào gà mái, đồng thời giảm được nhân công chăm sóc. Không chỉ vậy, việc ấp trứng bằng công nghệ còn giúp đạt tỷ lệ nở tốt (80 – 95%), cao hơn hẳn khi cho gà mái ấp tự nhiên (50-85%).
Theo anh Hoàng Cương (Công ty TNHH CloudFERMI), việc triển khai ứng dụng IoT vào các máy ấp trứng truyền thống là rất đơn giản và không tốn kém, tạo thành mô hình “máy ấp trứng IoT”. Chủ trang trại hoàn toàn có thể giám sát từ xa qua Internet, dễ dàng mở rộng quy mô theo nhu cầu.
Về mặt cấu tạo, máy ấp trứng IoT gồm có 6 thành phần chính:
– Bộ điều khiển ẩm, nhiệt và hẹn giờ ấp trứng IoT. Đây là “linh hồn” sáng tạo của máy, có khả năng hỗ trợ điều khiển bóng đèn, quạt và mô tơ khay đảo, đảm bảo môi trường thuận lợi cho trứng nở, sử dụng cảm biến nhiệt độ và độ ẩm SHT30, cũng như giúp điều khiển kết hợp giữa nhiệt độ và độ ẩm.
– Bóng đèn tạo nhiệt: thường dùng bóng đèn dây tóc hoặc bóng Halogen.
– Quạt chính: giúp đối lưu không khí bên trong và bên ngoài máy.
– Khay đảo trứng: giúp đảo trứng với số lần mong muốn trong 1 ngày, nâng cao khả năng trứng nở. Có khả năng hẹn giờ đảo trứng tùy theo số lần và thời điểm mong muốn.
– Bộ tạo ẩm: khay nước đặt bên dưới bóng đèn hoặc hệ thống tạo ẩm riêng.
– Thùng xốp: giúp bảo vệ trứng, giữ môi trường có nhiệt độ và độ ẩm lý tưởng cho trứng nở con.
Bộ điều khiển ẩm, nhiệt và hẹn giờ ấp trứng IoT có ưu điểm là không giới hạn số lượng lịch trình điều khiển, có chức năng hẹn giờ tích hợp, có thể bật tắt đèn và quạt luân phiên nhằm năng cao tuổi thọ thiết bị điện trong máy ấp trứng. Thêm vào đó, bộ điều khiển còn hỗ trợ người vận hành giám sát quá trình ấp trứng trên nhiều máy khác nhau bằng ứng dụng trên thiết bị thông minh qua kết nối Internet.
Mặt khác, mỗi bộ điều khiển ấp trứng hỗ trợ lên đến 4 cảm biến, phù hợp với nhiều loại thùng ấp có dung tích và số lượng khay đảo khác nhau. Vì vậy, chủ trang trại có thể mở rộng quy mô về số lượng thùng ấp dễ dàng, nhanh chóng, tiện lợi mà không tốn nhiều chi phí, công sức như trước.
Vừa qua, bộ điều khiển ẩm, nhiệt và hẹn giờ ấp trứng IoT đã được Công ty TNHH CloudFERMI giới thiệu và trình diễn tại Chợ Công nghệ và Thiết bị Chuyển đổi số trong quản lý, đào tạo chuyên ngành giáo dục năm 2023. Hiện nay, CloudFERMI đang cung cấp các mô hình máy ấp trứng IoT thùng xốp dành cho giáo dục STEM, cùng những giải pháp quy mô công nghiệp cho chủ trang trại với mức chi phí rẻ khoảng 1 triệu đồng, tùy model. Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) tiếp tục kết nối và hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng các mô hình – giải pháp ấp trứng IoT cho chủ trang trại, doanh nghiệp và cơ sở giáo dục có nhu cầu.
“Khi cắm điện, bộ điều khiển ẩm, nhiệt và hẹn giờ ấp trứng IoT, đèn và quạt bên trong sẽ bắt đầu hoạt động. Bóng đèn phát sáng và tỏa nhiệt giúp cung cấp nhiệt độ bên trong thùng xốp, quạt gió thổi vào vị trí giữa bóng đèn vào khay nước sẽ giúp nước bay hơi nhanh hơn tạo độ ẩm cho trứng phát triển. Gió thổi qua bóng đèn sẽ giúp nhiệt độ bên trong thùng xốp luôn đồng đều ở các vị trí khác nhau theo chương trình điều khiển đã thiết lập trước trên bộ điều khiển. Bộ điều khiển sẽ nhận thông tin từ cảm biến nhiệt độ và độ ẩm SHT30 và tùy vào mức nhiệt độ nhận được sẽ điều khiển tắt hoặc bật bóng đèn bên trong thùng xốp giúp nhiệt độ luôn ổn định, tối ưu cho từng loại trứng tính từ lúc ấp trứng cho đến khi trứng nở.”, anh Hoàng Cương chia sẻ về cách thức vận hành cực kỳ đơn giản của máy ấp trứng IoT thùng xốp.
Theo đó, ứng dụng IoT tự động hóa ấp trứng vừa là giải pháp hữu ích nâng cao năng suất cho các trang trại. Đây cũng là một mô hình công nghệ có khả năng được dùng để bồi dưỡng kiến thức nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao cho học sinh, do gắn liền với thực tiễn sản xuất và đời sống.
Trích nguồn: TRUNG TÂM THÔNG TIN VÀ THỐNG KÊ KH&CN TP.HCM – 21/06/2023